Ngộ độc thực phẩm hay ngộ độc thức ăn (trúng thực) là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống và cũng là hiện tượng người bị trúng độc, ngộ độc do ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia... nó cũng có thể coi là bệnh truyền qua thực phẩm, là kết quả của việc ăn thực phẩm bị ô nhiễm.
1/ Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm
Nguyên nhân chính của việc ngộ độc thực phẩm là do ăn, uống thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn hoặc bị ô nhiễm hóa học (kim loại nặng, độc tố vi nấm...).
Theo các chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm thì ngộ độc thực phẩm mùa hè thường do thức ăn nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, ký sinh trùng), vì mùa hè nhiệt độ cao thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi và phát triển. Đặc biệt thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng, cá, sữa là các chất giàu đạm, rất dễ trở thành môi trường tốt cho các vi sinh vật, nhất là vi khuẩn gây bệnh phát triển, và khi đó thức ăn đã biến thành chất độc.
Có thể phân ra 4 nhóm ngộ độc sau:
- Ngộ độc thực phẩm do nhiễm ký sinh trùng: do các loại vi khuẩn gây bệnh và độc tố chúng sản sinh ra, do nấm men nấm mốc, do virus hoặc ký sinh trùng nhiễm vào thực phẩm
- Ngộ độc do thức ăn bị ôi thiu, biên chất: thực phẩm nếu để quá lâu hoặc đã bị ôi thiu sẽ phát sinh ra các chất độc hại. Những chất độc hại thường không bị phá huỷ, không bị tiêu diệt hoặc giảm khả năng độc hại ngay cả khi đun sôi.
- Ngộ độc do ăn phải thức ăn có độc: một số thực phẩm như cá nóc, nấm độc, thịt cóc, mật cá trắm, khoai tây mọc mầm,….chứa sẵn chất độc có thể gây ngộ độc nếu ăn phải hoặc với liều lượng cao.
- Ngộ độc thực phẩm do nhiễm các chất hoá học: thực phẩm được nuôi trồng ở nơi nguồn nước, đất bị ô nhiễm kim loại nặng, do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, phụ gia thực phẩm và các chất phóng xạ,…
2/ Một số đối tượng thực phẩm có nguy cơ cao gây ra ngộ độc:
- Ăn thịt gỏi hay thịt chưa nấu chín kỹ
- Ăn cá hoặc hải sản tươi sống hoặc chưa chín kỹ
- Ăn các loại rau sống
- Sữa và các sản phẩm từ sữa chưa qua diệt khuẩn
- Ăn các loại trứng gà chưa hoàn toàn được nấu chín
3/ Biểu hiện của người bị ngộ độc thực phẩm
Sau khi ăn, uống phải thực phẩm bị nhiễm độc, người ăn có các biểu hiện như: buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau bụng, sốt cao,…
4/ Biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm:
Việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm là cả một quá trình từ việc chọn thực phẩm đảm bảo, bảo quản thực phẩm chưa chế biến (đông lạnh, ướp muối...) hoặc đã chế biến (đậy, đằn, hâm, ướp lạnh...) đến quá trình giữ vệ sinh trong khâu chế biến, khi ăn uống cho đến các biện pháp phòng ngừa khi ăn ở ngoài. Trong đó phương châm cần lưu ý là "ăn chín, uống sôi".
- Chú ý khi mua thực phẩm: chọn thực phẩm tươi sống, tránh dùng thực phẩm kém chất lượng, ôi thiu, không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng. Tốt nhất nên mua thực phẩm ở cửa hàng có uy tín, đáng tin cậy.
- Rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm và thường xuyên giữ sạch tay trong quá trình chế biến cũng như rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh.
- Tránh sử dụng thực phẩm chưa chín hoặc chưa được làm chín kỹ
- Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách: tránh để các sản phẩm tươi sống như thịt cá quá lâu ở nhiệt độ phòng, cần bảo quản chúng ở ngăn mát nếu sử dụng sau đó vài giờ hoặc ngăn đông để có thể sử dụng lâu hơn. Cần rửa sạch trước khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh.
- Tránh sử dụng các thực phẩm chứa chất độc: như cá nóc, thịt cóc, khoai tây mọc mầm, nấm độc,… không sử dụng các loại thực phẩm được khuyến cáo có khả năng chứa chất độc, các loại thực phẩm lạ.
- Chú ý khi ăn ở ngoài: tránh các quán ẩm thấp, bụi bẫn, bàn ghế, bát đũa không sạch sẽ,…. Không nên ăn các món lạ không rõ thành phần.